Sự nghiệp Hứa_An_Hoa

Trở về Hồng Kông năm 1975, Hứa An Hoa được hãng TVB mời về làm đạo diễn phim truyền hình và phim tài liệu và làm trợ lý cho đạo diễn nổi tiếng Hồ Kim Thuyên.

Năm 1978 bà thực hiện bộ phim ngắn đầu tiên có tựa đề Lai khách (來客) nói về một cậu bé thuyền nhân người Việt Nam, đây là bộ phim khởi đầu cho bộ ba phim về Việt Nam nổi tiếng của bà sau này. Năm 1979 Hứa An Hoa rời hãng TVB để đạo diễn bộ phim đầu tay, Phong kiếp (瘋劫) với sự tham gia của ngôi sao trẻ người Đài Loan Trương Ngải Gia. Tác phẩm này sau khi ra mắt đã ngay lập tức được đánh giá cao và đưa Hứa An Hoa vào nhóm dẫn đầu của trào lưu điện ảnh Làn sóng mới Hồng Kông cùng với các đạo diễn trẻ khác như Quan Cẩm Bằng, Đàm Gia Minh. Năm 1981 Hứa An Hoa thực hiện phần thứ hai của bộ ba phim Việt Nam với tựa đề Câu chuyện Hồ Việt (胡越的故事), bộ phim vẫn xuay quanh những vấn đề chính trị và xã hội nhạy cảm mà ít phim Hồng Kông nào trong giai đoạn này đề cập tới. Năm 1982 bà hoàn thành bộ ba phim Việt Nam với Thuyền nhân (投奔怒海). Đây được coi là tác phẩm thành công nhất trong bộ ba, nó đem lại cho Hứa An Hoa Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông ở cả ba hạng mục Phim hay nhất, Kịch bản hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.

Sau thành công lớn của Thuyền nhân, Hứa An Hoa tiếp tục cho ra đời những tác phẩm có chất lượng cao như Khuynh thành chi luyến (傾城之戀, 1984), chuyển thể từ tiểu thuyết của nữ nhà văn Trương Ái Linh và bộ hai phim võ hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục của Kim DungThư kiếm ân cừu lục (書劍恩仇錄, 1987) và Hương Hương công chúa (香香公主, 1987). Năm 1990 Hứa An Hoa đạo diễn bộ phim mang nhiều chất tự sự Khách đồ thu hận (香香公主) trong đó nhân vật chính do Trương Mạn Ngọc thủ vai có nhiều điểm giống với cuộc đời của chính nữ đạo diễn. Khánh đồ thu hận đã được lựa chọn dự thi hạng mục Un Certain Regard tại Liên hoan phim Cannes 1990.

Sau 4 năm ngừng làm phim, năm 1995 Hứa An Hoa quay trở lại làng điện ảnh Hồng Kông với một tác phẩm gây tiếng vang lớn, Nữ nhân tứ thập (女人,四十。) đề cập tới những vấn đề của người phụ nữ ở tuổi trung niên. Đây là bộ phim giành nhiều chiến thắng nhất tại lễ trao Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 15 trong đó có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất cho Hứa An Hoa cùng giải Biên kịch xuất sắc nhất, Vai nam chính và nam phụ xuất sắc nhất và Vai nữ chính xuất sắc nhất. Năm 1999 Hứa An Hoa có bộ phim thứ ba giành Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cho Phim hay nhất, đó là Thiên ngôn vạn ngữ (千言萬語). Bộ phim tiếp theo của bà, U linh nhân gian (幽靈人間, 2001) đem lại cho Hứa An Hoa chiến thắng đầu tiên ở giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Hội phê bình điện ảnh Hồng Kông. Năm 2006 bà tiếp tục quay trở lại đề tài về những người phụ nữ trung niên với Di ma đích hậu hiện đại sinh hoạt (姨媽的後現代生活), nữ diễn viên chính của phim là Tư Cầm Cao Oa giành Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cho vai nữ chính nhờ tác phẩm này. Chu kì thành công của Hứa An Hoa vẫn tiếp tục với bộ phim năm 2008 Ngày và đêm ở Thiên Thủy Vi (天水圍的日與夜). Trong lễ trao Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 28, tác phẩm này đã đem lại cho Hứa An Hoa giải Đạo diễn xuất sắc nhất thứ 3, bà trở thành nữ đạo diễn Hồng Kông đầu tiên 3 lần chiến thắng ở hạng mục này ngang bằng với hai đạo diễn nam khác là Đỗ Kỳ PhongPhương Dục Bình.